Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Tôi đuổi một con chó chạy rông cách đây 1 năm và khi quay lưng đi thì bị nó cắn lén vào bắp chân chảy máu, nghĩ là nó ghét mình nên cắn chứ không nghĩ nó bị dại. Giờ nghe người bị chó dại cắn nhiều năm sau mới tử vong tôi mới nhớ ra. Giờ đi tiêm vaccine thì có tác dụng, có ...
Trần Thị Hoa, 58 tuổi, Tam Kỳ, Quảng Nam
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm. Tuy nhiên cũng có những trường hợp thời gian ủ bệnh kéo dài tới một vài năm. Virus sau khi đi vào cơ thể sẽ di chuyển lên não để gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ và vị trí của vết cắn. Vết cắn càng nặng và gần cơ quan thần kinh trung ương như vùng chi trên, đầu mặt cổ thì càng nhanh phát bệnh. Ngược lại, những vết cắn nhẹ và ở xa thần kinh trung ương như vùng chi dưới thì thời gian ủ bệnh lâu hơn. Ví dụ, tháng 10/2021, cô gái 18 tuổi ở Cao Bằng tử vong do phát bệnh dại sau hai năm bị chó cắn mà không tiêm phòng dại.

Khi triệu chứng bệnh dại bệnh dại xuất hiện, bệnh có thể gây tử vong rất nhanh chóng trong đau đớn và hoảng loạn. Bất cứ ai có thể đã tiếp xúc với virus dại nên được tiêm phòng trước khi các triệu chứng xuất hiện. Tiêm vaccine là việc rất quan trọng, giúp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh dại và tử vong do dại.

Vì vậy trong trường hợp này, dù đã bị chó cắn 1 năm, bạn vẫn nên đi tiêm vaccine phòng dại để dự phòng. Bạn cần sớm đến gặp các bác sĩ tiêm chủng để được tư vấn cụ thể về phác đồ tiêm vaccine dại hiệu quả.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi năm nay 25 tuổi, đã có chồng nhưng chưa có con. Trong xét nghiệm Pap 6 tháng trước, tôi âm tính với HPV. Tôi biết vaccine hiệu quả nhất trước quan hệ tình dục. Bác sĩ cho tôi hỏi, người đã quan hệ tình dục nên tiêm vaccine không? Cả tôi và chồng đều có mong muốn tiêm.
Ngọc Thảo, 25 tuổi, TP HCM
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tại Việt Nam, vaccine HPV được tiêm cho nam và nữ giới trong độ tuổi 9-26, vaccine vẫn có hiệu quả tốt ở cả những người đã quan hệ tình dục. Những người đã có gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục vẫn nên tiêm vaccine phòng HPV bởi 3 lý do.

- Thứ nhất, người đã từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc đã bị nhiễm HPV, do vậy việc tiêm vaccine vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ được phụ nữ khỏi các bệnh gây ra do 4 tuýp HPV.

- Thứ hai, người đã quan hệ tình dục có thể mắc 1 hoặc 2 chủng, không phải mắc tất cả các chủng HPV nên việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng HPV khác mà phụ nữ chưa mắc phải.

- Thứ ba, HPV rất dễ lây và tái nhiễm. Miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vaccine lại có thể làm được điều này.

Do đó, bạn và chồng bạn rất cần tiêm chủng vaccine để phòng HPV, đồng thời chuẩn bị sức khỏe tiền hôn nhân thật tốt để có thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Chồng em mới phát hiện viêm gan B, sau đó em đi xét nghiệm thì không bị nhiễm. Bây giờ em tiêm vaccine viêm gan B còn kịp không, thưa bác sĩ?
Đặng Tuyết Nhi, 31 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Viêm gan B có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Theo các nghiên cứu, viêm gan B lây lan nhanh hơn HIV từ 50-100 lần. Viêm gan B được tìm thấy trong dịch tiết âm đạo, nước bọt và tinh dịch. Trong trường hợp chồng bạn nhiễm bệnh viêm gan B, người vợ có nguy cơ rất cao nhiễm bệnh. Trường hợp của bạn may mắn khi chưa nhiễm virus. Do đó để phòng mắc bệnh, bạn cần tiêm đầy đủ 3 mũi vaccine viêm gan B để tạo kháng thể bảo vệ. Ngoài ra, bạn cần xét nghiệm để kiểm tra lượng kháng thể sinh ra sau tiêm vaccine và xét nghiệm định kỳ để tiêm bổ sung nếu kháng thể xuống thấp. Mặt khác, chồng bạn cũng cần điều trị để kiểm soát nồng độ virus viêm gan B trong máu, giảm nguy cơ lây bệnh cho vợ.

Viêm gan B được coi là căn bệnh "thầm lặng" do có thể âm thầm tấn công gan và đôi khi không biểu hiện triệu chứng. Nhiều người không biết đã mắc bệnh, đến khi phát hiện thì viêm gan đã chuyển giai đoạn nặng, chớm xơ gan.

Ngoài tiêm vaccine, bạn nên kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra tình trạng bệnh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Em 24 tuổi, đã quan hệ tình dục thì có được tiêm HPV nữa hay không và nếu được thì tiêm mấy mũi ạ? Và khi đi tiêm có phải khai báo thông tin quan hệ tình dục này với bác sĩ không ạ?
Ngọc Lam, 24 tuổi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tại Việt Nam, vaccine HPV được cho nam và nữ giới trong độ tuổi 9-26, vaccine vẫn có hiệu quả tốt ở cả những người đã quan hệ tình dục. Những người đã có gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục vẫn nên tiêm vaccine phòng HPV bởi 3 lý do:

- Thứ nhất, người đã từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc đã bị nhiễm HPV, do vậy việc tiêm vaccine vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ được phụ nữ khỏi các bệnh gây ra do 4 tuýp HPV.

- Thứ hai, người đã quan hệ tình dục có thể mắc 1 hoặc 2 chủng, không phải mắc tất cả các chủng HPV nên việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng HPV khác mà phụ nữ chưa mắc phải.

- Thứ ba, HPV rất dễ lây và tái nhiễm. Miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vaccine lại có thể làm được điều này.

Về phác đồ HPV, bạn cần tiêm đủ 3 mũi trong 6 tháng. Trước khi tiêm chủng, bạn không cần khai báo về yếu tố quan hệ tình dục, chỉ cần thông báo về việc có chậm kinh hay không, thời gian dự định có thai hoặc kiểm tra để biết có đang mang thai hay không. Phụ nữ cũng cần khám phụ khoa, tầm soát ung thư để đảm bảo vaccine có hiệu quả tốt nhất; không cần xét nghiệm HPV trước tiêm. Nếu dự định mang thai, phụ nữ nên tiêm chủng trước khi mang bầu một tháng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi là dân IT, làm văn phòng máy lạnh nhiều năm, hầu như tháng nào tôi cũng bị viêm họng, viêm mũi, bệnh cúm... tái đi tái lại, tôi có dùng đông tây y kết hợp nhưng không dứt điểm được bệnh. Trường hợp của tôi nên làm gì để bảo vệ hệ hô hấp, vaccine liệu có hiệu quả không? Tôi nên tiêm vaccine ...
Nam Phạm, 29 tuổi, Đà Nẵng
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Nhân viên văn phòng, công nhân thường phải làm việc trong một không gian chung. Không gian này đông người, khép kín, nhiệt độ thấp, sử dụng máy lạnh, do đó dễ mắc bệnh tái đi tái lại, lây nhiễm chéo khi có người mang mầm bệnh.

Người làm trong công sở, văn phòng, công nhân như bạn nên chủ động tiêm vaccine bảo vệ sức khỏe. Các loại vaccine được khuyến cáo gồm cúm, phế cầu, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, bạch hầu - ho gà - uốn ván. Đây là các bệnh thường gặp, khả năng lây nhiễm cao, dễ biến chứng ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Ví dụ phế cầu khuẩn thường trú ở vùng hầu họng, tấn công khi miễn dịch suy giảm gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết... Cúm gây viêm phổi, viêm phổi, và các biến chứng nguy hiểm khác. Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng có thể gây biến chứng nặng nề ở người lớn.

Mặt khác, bạn đang ở độ tuổi lao động chính trong gia đình, chủ động phòng bệnh giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, đảm bảo hiệu quả công việc và kinh tế gia đình. Bạn có thể liên hệ đến các cơ sở y tế để được tư vấn.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

người lớn 50 tuổi nên chích những vắc xin nào. Nếu có thể xin gởi email cho thông tin được rõ ràng. Xin gởi về email lynnnguyensouza@gmail.com. Xin cảm ơn
Nguyen Thi Bich Lien, 50 tuổi, 1648 Võ Văn Kiệt Phường 16, Quận 8
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo thống kê, phần lớn các ca tử vong do cúm, viêm phổi phế cầu hàng năm chiếm tỷ lệ lớn ở người lớn, người trên 50 tuổi. Tuổi càng cao sẽ kéo theo sự lão hoá của các cơ quan trong cơ thể, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu.

Nhiều người cho rằng việc tiêm chủng vaccine chỉ dành cho trẻ em, các bậc phụ huynh luôn có ý thức chủ động tiêm ngừa vaccine cho trẻ nhỏ nhưng lại lơ là với chính sức khỏe của mình. Thực tế thì bệnh truyền nhiễm không chừa một ai, đa số người lớn thường hay quên hoặc bỏ sót lịch tiêm nhắc theo khuyến cáo do sự quan tâm chưa đúng mức hoặc thiếu thông tin về tầm quan trọng của vaccine.

Hiện Việt Nam lưu hành hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm. Trong đó người lớn cần tiêm ngừa gần 15 loại vaccine phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt các vaccine như: cúm mùa, phế cầu khuẩn, não mô cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A+B,... để phòng bệnh cho chính mình, giảm rủi ro bệnh tật, tiết kiệm chi phí và phòng bệnh cho tất cả thành viên khác trong nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trong đó, có số vaccine sẽ giới hạn độ tuổi, ví dụ vaccine phòng não mô cầu nhóm BC chỉ được tiêm đến 45 tuổi và B được tiêm đến 50 tuổi, do đó bạn 50 tuổi trở lên chỉ tiêm được vaccine phòng nhóm ACYW--135 có giới hạn đến 55 tuổi.

Bạn nên đến trung tâm tiêm chủng để bác sĩ khai thác lịch sử tiêm ngừa, bệnh sử và đưa ra chỉ định tiêm loại vaccine phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Bé nhà em 2 tuổi rưỡi nhưng chưa tiêm phòng phế cầu khuẩn, Rotavirus, vậy giờ cháu có tiêm bù được không ạ? Có bị muộn không ạ?
Nguyễn Hương Thảo, 25 tuổi, Hà Nội
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo thông tin kê toa, vaccine ngừa phế cầu tiêm cho trẻ em từ 2 tháng tuổi và người lớn không giới hạn tuổi. Vaccine ngừa tiêu chảy do rotavirus dùng đường uống cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến trước 8 tháng tuổi. Căn cứ vào giới hạn tuổi tiêm, con bạn 2 tuổi rưỡi đã qua thời gian chủng ngừa Rotavirus và vẫn chủng ngừa được vaccine phế cầu.

Do hệ miễn dịch của trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn non yếu và là đối tượng nguy cơ của nhiều bệnh truyền nhiễm. Trẻ cần được chủng ngừa đầy đủ các loại vaccine để cung cấp miễn dịch đặc hiệu với bệnh, giúp phòng bệnh hiệu quả cao, tránh các biến chứng có thể để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe của trẻ.

Hiện Việt Nam có hơn 40 loại vaccine, phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và người lớn. Bạn có thể chủ động đưa con đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn chủng ngừa các vaccine trẻ còn thiếu hoặc chưa tiêm.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Bác sĩ cho em hỏi em bị chó cắn vào tháng 11/2023 đã lên bệnh viện tiêm huyết thanh và vaccine đủ 5 mũi theo chỉ định của bác sĩ. Đến ngày 8/4 /2024 em lại bị chó cắn vào đùi phải không chảy máu nhưng thâm tím nhiều. Vậy có cần tiêm tiếp vaccine không ạ? Em cảm ơn ạ
Phan Thanh Tiệp, 39 tuổi, Gò Vấp, TP HCM
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tấn công trực tiếp hệ thần kinh trung ương. Tỷ lệ tử vong gần 100% khi đã phát bệnh. Do đó những quan điểm như chó nhà cắn không nguy hiểm như chó dại, cắn không chảy máu thì không có khả năng lây dại, là chưa đúng. Vì cần lưu ý rằng ngay cả khi vết thương chỉ bị bầm, không gây chảy máu thì da cũng đã tiếp xúc với nước bọt có chứa virus dại và vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh.

Vì chưa rõ vết thương của bạn là do chó nhà hay chó lạ cắn và tình trạng thực tế của vết thương nên bác sĩ chia hai trường hợp để tư vấn cho bạn như sau:

Nếu vết bầm ở xa khu vực thần kinh trung ương như ở chân, chó đã được tiêm phòng dại trước đó, bạn có thể tự theo dõi vết thương và tình hình sức khỏe tại nhà. Nếu có dấu hiệu bất thường ở bản thân và cả con chó, hãy đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ khám, tư vấn và can thiệp kịp thời.

Trường hợp bị chó lạ tấn công dù không chảy máu, vết thương chỉ bị bầm, bạn nên sơ cứu vết thương nhanh tại nhà và đến trung tâm y tế gần nhất để được các bác sĩ chuyên môn đưa ra phương án xử trí kịp thời. Vì chưa rõ chó lạ đã được chủng ngừa dại hay chưa và không thể theo dõi tình trạng của chó sau khi cắn bạn nên trường hợp bị chó lạ cắn bạn tuyệt đối không được lơ là, chủ quan để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Và vì bạn đã tiêm đủ 5 mũi ở lần cắn đầu, nếu được bác sĩ chỉ định tiêm ngừa dại trong lần này, bạn chỉ cần bổ sung 2 mũi cách nhau 3 ngày, không cần tiêm huyết thanh. Các vaccine dại hiện được sử dụng tại Việt Nam đều là vaccine thế hệ mới, không chứa các tế bào thần kinh, đã được chứng minh an toàn và hiệu quả cao. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm cho sức khỏe của mình khi được chỉ định chủng ngừa.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Thưa bác sĩ, mình 33 tuổi con tiêm HPV được không? Vaccine có còn hiệu quả không? Cảm ơn bác sĩ!
Hoang But, 33 tuổi, Đồng Nai
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

HPV là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh ung thư như cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, vòm họng, hậu môn... Tiêm vaccine HPV là cách hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất để phòng bệnh.

Theo hướng dẫn, vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho nam và nữ giới từ 9-26 tuổi. Phụ nữ dù đã sinh con rồi hay chưa từng sinh nở, dù quan hệ tình dục hay chưa, đều có thể tiêm được vaccine HPV và vaccine vẫn đảm bảo hiệu quả tốt. Ở các nước phát triển, vaccine phòng HPV còn được mở rộng đối tượng, cho người từ 9 tuổi đến 45 tuổi. Do đó, độ tuổi tiêm chủng phòng HPV là rất rộng.

Những người đã có gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục vẫn nên tiêm vaccine HPV bởi 3 lý do. Thứ nhất, người đã từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc đã bị nhiễm virus HPV, do vậy việc tiêm vaccine vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ được phụ nữ khỏi các bệnh do 9 tuýp HPV. Thứ hai, người đã quan hệ tình dục có thể mắc 1 hoặc 2 chủng, không phải mắc tất cả các chủng virus HPV nên việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng HPV khác mà họ chưa mắc phải. Thứ ba, HPV rất dễ lây và tái nhiễm. Miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vaccine lại có thể làm được điều này.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Con em tiêm vaccine lao nhưng không để lại sẹo vậy vaccine có hiệu quả không, thưa bác sĩ?
Trần Thị Vân, 33 tuổi, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội
BS.CKI Bạch Thị Chính

Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Không phải tất cả các bé tiêm vaccine lao BCG đều tạo sẹo hoặc mưng mủ, có khảng 5% các bé sẽ không tạo sẹo. Không có sẹo BCG sau khi tiêm chủng không chứng tỏ được trẻ không được bảo vệ, cũng không khuyến cáo chỉ định tiêm lại vaccine lao.

Lao là một trong 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần thực hiện tiêm vaccine bắt buộc. Tất cả trẻ sơ sinh đều được tiêm chủng vaccine phòng bệnh lao nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tiêm chủng, tức là không có các chống chỉ định hoặc hoãn tiêm. Thông thường tiêm chủng vaccine lao để lại một vết sẹo ở vị trí tiêm, nhiều người không có sẹo vẫn xuất hiện kháng thể bảo vệ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress