Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Xin hỏi BS, tiêm vaccine HPV ở độ tuổi 20 sẽ phải tiêm mấy mũi và mỗi mũi là bao nhiêu tiền? Cảm ơn BS
Nguyễn Thị Giang, 20 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội
BS.CKI Bạch Thị Chính

Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hiện có 2 loại vaccine giúp phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm do các loại virus HPV gây bệnh được cấp phép sử dụng gồm: Gardasil 9, Gardasil. Vaccine HPV có khả năng khả năng phòng ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm virus HPV dành cho tất cả các giới.

Tại Việt Nam, vaccine HPV được chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ, bé trai và nam giới từ 9-26 tuổi. Hiện bạn 20 tuổi thì có thể lựa chọn tiêm vaccine Gardasil hoặc Gardasil 9 với phác đồ tiêm chủng 3 mũi:

- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.

- Mũi 2: 2 tháng sau mũi 1.

- Mũi 3: 4 tháng sau mũi 2.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chào bác sĩ. Em bị chó nhà hàng xóm cắn chảy máu nhưng không tiêm vaccine, cách đây đã hơn 1 năm, cho hỏi, giờ tiêm vaccine có còn hiệu quả không ạ?
duykhangn822, 14 tuổi, Dầu Tiếng
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Nếu chẳng may bị động vật cào/cắn hoặc liếm lên vết thương hở, bạn cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại, tốt nhất là ngay trong ngày đầu tiên.

Tùy thuộc vào sức đề kháng của bệnh nhân và tình trạng vết cắn, vị trí và số lượng virus xâm nhập, thời gian phát bệnh dại ở mỗi người sẽ khác nhau, có thể lên tới vài tháng hoặc vài năm.

Trong trường hợp của bạn bị chó cắn 1 năm thì vẫn nên đi tiêm chủng vaccine dại. Bạn có thể đến các Trung tâm tiêm chủng để được các bác sĩ tư vấn chi tiết nhất.

Cảm ơn câu hỏi của bạn!

Tôi đã có gia đình và đã sinh con thì có được tiêm vaccine phòng các bệnh do HPV không?
Nguyễn Thị Hồng Lam, 28 tuổi, Khánh Hòa
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

HPV là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh ung thư như cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, vòm họng, hậu môn... Tiêm vaccine HPV là cách hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất để phòng bệnh.

Theo hướng dẫn, vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho nam và nữ giới từ 9-26 tuổi. Phụ nữ dù đã sinh con rồi hay chưa từng sinh nở, dù quan hệ tình dục hay chưa, đều có thể tiêm được và vaccine vẫn đảm bảo hiệu quả tốt. Ở các nước phát triển, vaccine phòng HPV còn được mở rộng cho các bé trai từ 9-26 tuổi và nữ giới từ 9 tuổi đến 45 tuổi. Do đó, độ tuổi tiêm chủng phòng HPV là rất rộng.

Những người đã có gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục vẫn nên tiêm vaccine HPV bởi 3 lý do. Thứ nhất, người đã từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc đã bị nhiễm virus, do vậy việc tiêm vaccine vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ được phụ nữ khỏi các bệnh do 9 tuýp HPV. Thứ hai, người đã quan hệ tình dục có thể mắc 1 hoặc 2 chủng, không phải mắc tất cả các chủng virus HPV nên việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng HPV khác mà phụ nữ chưa mắc phải. Thứ ba, HPV rất dễ lây và tái nhiễm. Miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vaccine lại có thể làm được điều này.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Bác sĩ cho em hỏi bệnh dại có lây từ người sang người không? Em xin cảm ơn!
Lê An, 38 tuổi, Đông Hà, Quảng Trị
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Dại là một trong những căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất toàn cầu. Khi phát dại, kể cả con người hay động vật, tỷ lệ tử vong đều là 100%. Virus Rhabdo là tác nhân chính gây ra bệnh dại, chúng có trong nước dãi của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua nước dãi của động vật mắc bệnh dại thông qua vết cắn, cào, xước. Trong một vài trường hợp khác, virus dại còn có thể lây nhiễm qua sự tiếp xúc trực tiếp từ nước dãi của động vật mắc bệnh qua vết thương hở, mắt, mũi, miệng. Ví dụ: động vật nhiễm bệnh liếm vào vết thương hở trên da của bạn thì khả năng bạn có thể đã nhiễm bệnh dại.

Đối với trường hợp lây truyền từ người sang người chỉ được ghi nhận trong trường hợp lây từ người hiến mô/cơ quan bị nhiễm bệnh sang người nhận ghép tạng (rất hiếm). Tuy nhiên, nguy cơ này hoàn toàn có thể ngăn ngừa nhờ những quy định nghiêm ngặt về việc hiến giác mạc và tạng ghép ở người. Lây truyền bệnh dại trực tiếp từ người sang người thông qua vết cắn, cào, về lý thuyết là có thể lây nhưng hiện nay y văn thế giới chưa ghi nhận được trường hợp nào.

Tiêm vaccine vừa là phương pháp dự phòng vừa là phương pháp điều trị bệnh dại. Việt Nam hiện có 2 loại vaccine phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Nếu bị chó mèo cắn, phác đồ của người chưa từng tiêm vaccine gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 4 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da).

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Xin hỏi sau khi khỏi Covid-19 bao lâu là có thể tiêm vaccine cúm và phế cầu vậy?
Triệu Chu Tiên, 39 tuổi, Đà Nẵng
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Khi đã khỏi bệnh Covid-19, bạn vẫn tiêm vaccine phòng cúm bình thường, và không có khuyến cáo về khoảng cách giữa hai mũi tiêm phòng hai bệnh Covid-19 và cúm mùa.

Cảm ơn câu hỏi của bạn!

Mình đã tiêm mũi uốn ván cho bà bầu ở mốc 20 tuần, giờ đến mũi tiêm nhắc lại 24 tuần, nhưng hôm mình được tư vấn là có thể bỏ qua mũi tiêm nhắc lại ở mốc 24 tuần để tiêm mũi gì đó ở mốc 27 tuần. Do mình không nhớ nên bác sĩ có thể tư vấn rõ hơn cho mình được ...
Dương Thị Linh, 24 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Trường hợp của bạn đã tiêm mũi vaccine uốn ván bà bầu ở thời điểm 20 tuần và có thể bác sĩ tư vấn cho bạn tiêm nhắc lại mũi bạch hầu - ho gà - uốn ván ở thời điểm tuần thai thứ 27 để thay thế cho vaccine uốn ván đơn.

Tuy nhiên, hiện thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ, nên để được tư vấn chi tiết nhất bạn có thể gọi đến hotline 028 7102 6595 hoặc đến trực tuyến các trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc để được tư vấn và đặt lịch tiêm.

Trẻ 5 tuổi tiêm vaccine phế cầu thì có tiêm luôn vaccine cúm mùa được không? Việc tiêm 2 mũi vaccine 1 lần có ảnh hưởng gì không?
Nguyễn Nữ Phương Hạnh, 34 tuổi, Long An
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Việc tiêm đồng thời vaccine phế cầu và vaccine cúm bất hoạt vẫn đạt được đáp ứng miễn dịch tốt mà không gây nên những phản ứng bất lợi, nghiêm trọng. Ngoài ra, vaccine uốn ván, vắc xin bạch hầu liều thấp, vaccine ho gà vô bào và cúm bất hoạt cũng có thể được tiêm đồng thời. Mặc dù không có giới hạn chính xác về số mũi tiêm, những liều tiêm ban đầu nên hạn chế không quá nhiều mũi tiêm trong 1 lần trẻ đến tiêm.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Tôi năm nay 37 tuổi, khỏe mạnh, cao 1m76, nặng 80 kg. Năm 2017 tôi có bị đau vai gáy nhẹ và có đến khám tại phòng khám Đa khoa gần nhà và được chỉ định tiêm. Sau khi tiêm tôi bị sốc phản vệ, bị ngất và đi cấp cứu. Tháng 8 /2021 khi đi tiêm vaccine Covid-19, sau khi đo huyết áp bình ...

Kiên, 37 tuổi, Tuyên Quang
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Như thông tin bạn cung cấp thì bạn từng bị sốc phản vệ tức bạn bị phản vệ mức độ III sau tiêm truyền thuốc thì bạn nên tiêm mũi vaccine Covid-19 tại bệnh viện có cơ sở hồi sức cấp cứu chuyên khoa. Bạn sẽ cung cấp đầy đủ về thông tin dị ứng của bạn cho bác sĩ khám sàng lọc để được chỉ định tiêm chủng và dặn dò theo dõi sau tiêm vaccine.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!

Trẻ bị thương hàn lúc 12 tháng, vậy bây giờ cháu 24 tháng thì có cần tiêm phòng thương hàn nữa không?
Phạm Thị Thanh Hương, 62 tuổi, Hà Nội
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Về nguyên tắc, tiêm vaccine đúng lịch, đúng phác đồ là tối ưu nhất cho việc phòng bệnh vì vaccine sẽ phát huy được tối đa hiệu quả phòng bệnh. Bạn có thể bị ảnh hưởng khi tiêm sớm hơn lịch hẹn, việc chậm lịch tiêm phòng không làm giảm hiệu quả của vaccine sau khi hoàn thành lịch tiêm và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lịch hẹn là khoảng thời gian tốt nhất để đảm bảo bạn được phòng bệnh sớm và hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý, việc trì hoãn tiêm chủng hay trễ lịch tiêm sẽ làm tăng nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh khi bạn chưa có đầy đủ miễn dịch. Vì vậy, khi quá lịch hẹn, bạn nên đi tiêm chủng càng sớm càng tốt, nên thông báo cho bác sĩ để có chỉ định tiêm chủng bổ sung, đảm bảo hiệu quả của vaccine.

Trường hợp con bạn tiêm vaccine thương hàn trễ lịch thì vẫn cần tiêm chủng để có miễn dịch phòng bệnh cho con.

Cảm ơn bạn.

Con trai 7 tuổi bị suyễn thì khi tiêm chủng ảnh hưởng không? Cần lưu ý gì khi đi tiêm chủng? Cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Kim Phụng, 35 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hen suyễn là bệnh không nằm trong danh mục không chống chỉ định tiêm vaccine, chỉ trì hoãn nếu người bệnh đang trong tình trạng hen phế quản cấp tính. Với người có bệnh hen suyễn, khi đi tiêm chủng cần thông báo với bác sĩ khám sàng lọc tình trạng bệnh lý và các loại thuốc đang sử dụng để các bác sĩ có chỉ định tiêm chủng phù hợp.

Sau tiêm trở về nhà, người bệnh hen phế quản chú ý ăn đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn nên được chế biến dưới các dạng dễ sử dụng như cháo, súp. Ngoài ra, cần chú ý nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế vận động...

Người có bệnh nền hen suyễn là đối tượng rất cần tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine như cúm, phế cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván, để bảo vệ sức khoeir tránh cơn hen suyễn kịch phát, gây khó thở và nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress